Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng - Bài 2: Nhu cầu khổng lồ, ngân sách lại eo hẹp

Hạ tầng thiếu thốn, quá tải là nút thắt lớn cản trở sự phát triển của TPHCM. Để gỡ được nút thắt này, vấn đề lớn nhất vẫn là kinh phí thực hiện. Trong khi ngân sách còn hạn hẹp, đầu tư xã hội là chìa khóa để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, thực tế việc này không đơn giản.

 

Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng - Bài 2: Nhu cầu khổng lồ, ngân sách lại eo hẹp

 

Nguồn vốn cho metro chỉ đáp ứng 25%

Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (Ban Giao thông) Lương Minh Phúc cho biết, lãnh đạo thành phố xác định nhiệm vụ trọng tâm của ngành giao thông trong thời gian tới là tạo sự đột phá về hạ tầng. Năm nay, ngành giao thông được giao con số giải ngân rất lớn, với nhiều dự án trọng điểm, đây có thể coi là năm đẩy nhanh loạt dự án lớn như: cầu đường Nguyễn Khoái, Vành đai 2, cầu đường Bình Tiên, cầu Bà Hom, Tân Kỳ Tân Quý, Dương Quảng Hàm, cầu Phước Long, cầu Rạch Đỉa… Song song đó, Ban Giao thông phối hợp Sở GTVT đang khẩn trương triển khai thực hiện 5 dự án giao thông cửa ngõ, trục chính đô thị theo hình thức BOT, cụ thể: nâng cấp, cải tạo quốc lộ 1A, quốc lộ 13, quốc lộ 22, đường trục Bắc - Nam (Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ đến cao tốc Bến Lức - Long Thành) và xây dựng cầu đường Bình Tiên, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 44.592 tỷ đồng, giai đoạn 2024-2030.

Về việc triển khai các dự án, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết, hàng loạt công trình lớn đã được thông qua, thành phố sẽ ưu tiên nguồn vốn để sớm khép kín đường Vành đai 2 phía Đông. Đồng thời, 5 dự án BOT ở cửa ngõ TPHCM, kết nối các tuyến vành đai như cầu đường Bình Tiên, trục Bắc - Nam, quốc lộ 1, quốc lộ 13, quốc lộ 22 cũng đã được HĐND TPHCM thông qua. Sở GTVT tiếp tục hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án quy mô lớn như cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, một số dự án BOT trên đường hiện hữu theo Nghị quyết 98. Sở cũng sẽ thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh khoảng 23 dự án trọng điểm như: đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài; Vành đai 2 (đoạn 2 và đoạn 1); nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ đường Vành đai 2 đến đường vào Khu công nghiệp Phú Hữu).

Ngoài các dự án trên, TPHCM cũng đang rất cần 25 tỷ USD để xây dựng 220km metro. Tuy nhiên, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) Nguyễn Quốc Hiển cho biết, tính đến hiện tại, theo thống kê của MAUR, nguồn vốn huy động theo hình thức ODA cho các dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị tại TPHCM (bao gồm các dự án đang triển khai và sẽ triển khai trong tương lai gần) khoảng 6 tỷ USD, mới đạt khoảng 25% so với tổng mức đầu tư.

P5a.jpg
TPHCM cần 25 tỷ USD để xây dựng 220km metro. Ảnh: QUỐC HÙNG

 

Theo Sở GTVT TPHCM, giai đoạn 2022-2025, tổng kinh phí cho dự án đầu tư trọng điểm phát triển cơ sở hạ tầng tại TPHCM dự kiến là 243.000 tỷ đồng; trong đó, dự án đầu tư xây dựng metro ước 103.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 43%. Trong khi đó, ngân sách được phê duyệt hàng năm cho các dự án hạ tầng nội đô chỉ khoảng 30.000 tỷ đồng.

Cần cơ chế huy động nguồn lực

Sự hạn chế của ngân sách được thể hiện rõ ràng hơn qua kết quả thực tế triển khai các chương trình, dự án thời gian qua. Trong lĩnh vực giáo dục, hiện nay, tổng nhu cầu đề xuất đầu tư từ ngân sách tập trung TPHCM giai đoạn 2023-2025 gồm 277 dự án với quy mô 5.934 phòng học, tổng mức đầu tư 32.200 tỷ đồng. Để thực hiện kế hoạch xây dựng mới 4.500 phòng học, TPHCM dự kiến có 110 dự án với quy mô 2.638 phòng học, vốn dự kiến 517 tỷ đồng thực hiện kêu gọi xã hội hóa (đối tác công - tư, vay kích cầu, xã hội hóa). UBND TPHCM nhìn nhận, những năm qua, nguồn lực từ ngân sách dành cho giáo dục mặc dù đã được quan tâm, ưu tiên bố trí nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Các nguồn lực đầu tư từ xã hội hóa chưa được khai thông do chưa có chính sách hấp dẫn, còn nhiều khó khăn vướng mắc về quy hoạch dẫn đến hạn chế trong đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng trường học.

Gần 45.000 tỷ đồng cho 5 dự án

Thực hiện Nghị quyết 98, TPHCM đang tích cực chuẩn bị để tái khởi động các dự án PPP “bất động” lâu nay. Đồng thời, ban hành kế hoạch triển khai 5 dự án BOT gồm nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); nâng cấp đường trục Bắc - Nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành; xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh). Tổng mức đầu tư 5 dự án khoảng 44.592 tỷ đồng.

Trong công tác di dời nhà trên và ven kênh rạch, vốn ngân sách bố trí rất hạn chế. Vì vậy, theo Sở Xây dựng, chỉ tiêu bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh là “rất khó khả thi”. Sở Xây dựng tiếp tục kiến nghị UBND TPHCM bố trí nguồn vốn 37.000 tỷ đồng để di dời nhà trên và ven kênh. Trong khi đó, công tác phát triển công viên, cây xanh đô thị cũng thiếu vốn nên các mục tiêu đề ra còn xa vời. Cụ thể, giai đoạn 2020-2025, TPHCM đặt mục tiêu tăng thêm 150ha công viên, muốn vậy cần thực hiện tối thiểu 54 dự án, với kinh phí hơn 9.000 tỷ đồng. Nhưng đến nay, mới chỉ có 4 dự án được HĐND TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng kinh phí 1.590 tỷ đồng.

Trong khi nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng là những con số khổng lồ như trên, nhìn lại vốn ngân sách khá eo hẹp: Năm 2022, TPHCM giải ngân hơn 26.200 tỷ đồng, năm 2023 giải ngân gần 50.000 tỷ đồng, năm 2024 TPHCM được giao giải ngân hơn 79.000 tỷ đồng. Giả sử thành phố có thể giải ngân đạt trên 95% như mục tiêu đề ra, thì số vốn ngân sách có thể đưa vào nền kinh tế cũng chỉ là 75.000 tỷ đồng, rất khiêm tốn so với nhu cầu phát triển hạ tầng của thành phố. Đó là chưa kể những khoản chi đầu tư phát triển khác ngoài hạ tầng, vốn cũng rất cần kíp và không thể không làm, và cũng chưa tính đến việc tỷ lệ giải ngân những năm qua đều không đạt 95% như mục tiêu đề ra.

Nguồn lực ngân sách có hạn là vậy, còn nguồn lực ngoài ngân sách thì như thế nào? Các thống kê, đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy “nguồn lực trong dân còn rất dồi dào”, đòi hỏi phải có cơ chế chính sách phù hợp để người dân sẵn sàng “mở hầu bao” đưa nguồn lực của mình vào sản xuất kinh doanh, phát triển hạ tầng. Ngân sách sẽ đóng vai trò là vốn mồi để thu hút vốn đầu tư tư nhân. Nhưng trong khi nguồn vốn đầu tư công chưa thể bố trí đủ cho các dự án, thì việc mời gọi tư nhân lại chưa thực hiện được hoặc bị đình trệ. Chẳng hạn, việc đầu tư phát triển công viên cây xanh đến nay chưa thực hiện được, bởi theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, công viên cây xanh không thuộc lĩnh vực đầu tư theo phương thức này. Trong các lĩnh vực khác, thực tế triển khai các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư gặp nhiều vướng mắc, nhiều sai phạm bị phát hiện xử lý khiến các dự án đình trệ, đắp chiếu...

Để huy động nguồn vốn đầu tư hạ tầng, giảm bớt vốn vay ODA, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98, đề xuất TPHCM phát hành trái phiếu quốc tế. Theo chuyên gia này, nội dung trên đã được chính quyền thành phố đề xuất nhưng chưa được đưa vào Nghị quyết 98, thực ra vẫn để ngỏ khả năng cho TPHCM nghiên cứu thực hiện việc này. Cụ thể, theo Nghị quyết 98, với những vấn đề có nội dung khác chưa được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội nhưng để đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong thu hút đầu tư chiến lược, huy động nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội thì TPHCM báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Việc phát hành trái phiếu quốc tế là điểm mấu chốt để giải quyết nguồn vốn cho thành phố, trước mắt là sớm hoàn thành hệ thống metro.

Theo các chuyên gia kinh tế, khi phát hành trái phiếu công trình, trái phiếu đô thị, thì những đồng vốn thu được sẽ đổ vào thực hiện các công trình hạ tầng, rất có ý nghĩa không chỉ về kinh tế mà còn mang ý nghĩa xã hội. Trái phiếu công trình là loại trái phiếu được phát hành để huy động vốn cho những mục đích cụ thể, thường là để xây dựng những công trình cơ sở hạ tầng hay công trình phúc lợi công cộng. Trái phiếu này có thể do Chính phủ hoặc chính quyền địa phương phát hành. Với ưu thế rủi ro thấp, thanh khoản cao, phương thức huy động vốn này được nhiều người dân tin tưởng lựa chọn để đầu tư.

Theo SGGP